Tổng quan về thị trường Trò chơi trực tuyến tại Việt Nam và thế giới

  1. Nền tảng chơi game
    Là những thiết bị mà qua đó chúng ta tương tác với game, bao gồm:

➤ PC: Máy tính bàn, laptop.

➤ Mobile: Điện thoại, máy tính bảng.

➤ Console: Thiết bị chơi cầm tay

Các game console phổ biến: Xbox, PlayStation, Nintendo Switch.

  1. Các kiểu công ty về game
  2. Giải pháp cho quá trình làm game

➤ Các nhà phát triển game (Game developer): Là các công ty thiết kế và xây dựng game. Tiêu biểu là Firaxis Games, Creative Assembly, Sega, Nitro Games, Red Hook Studios, Riot Games, Amanotes, Sky Mavis,…

➤ Các công ty thiết kế phần mềm phát triển game (để từ đó các game developer xây dựng game). Tiêu biểu là Unity, Unreal, Godot, Gamemaker.

  1. Giải pháp cho quá trình phân phối game

➤ Các nhà phát hành game: Các công ty này thường mua bản quyền những game nổi tiếng, được ưa chuộng ở một thị trường nào đó để điều chỉnh và phục vụ cho thị trường của mình. Tiêu biểu là Ubisoft, Activision Blizard, Nintendo, Paradox Interactive, Capcom, Square Enix, Koei, VNG, Appota, Garena,…

➤ Nền tảng cung cấp game: Là những nền tảng tổng hợp nhiều game trên đó. Khác với nhà phát hành game (tập trung vào chuyện điều chỉnh cho phù hợp với thị trường của mình), các nền tảng game tập trung vào khâu phân phối chứ không can thiệp vào điều chỉnh nội dung game. Tiêu biểu là Steam, App Store, CH Play, Epic Games, GOG, Amazon Luna, Xbox, Nintendo,…

  1. Giải pháp cho quá trình chơi game

➤ Nhà sản xuất thiết bị chơi game (máy tính, chuột, ghế, tai nghe,…): Tiêu biểu là Razer, MSI, Alienware, Corsair, Predator, Acer,…

➤ Nền tảng hỗ trợ liên lạc: Các game thủ khi chơi game đồng đội có nhu cầu liên lạc rất cao, và những nền tảng liên lạc phổ biến thường được sử dụng bao gồm Discord, TeamSpeak, Mumble.

➤ Phần mềm hỗ trợ livestream game: Việc các game thủ giỏi livestream quá trình chơi game của mình hoạt động rất phổ biến trong cộng đồng chơi game, điều này mang lại nhu cầu cho các phần mềm hỗ trợ livestream như Streamlabs, OBS Studio, vMix, XSplit.

➤ Nền tảng livestream game: Xuất phát từ nhu cầu livestream của game thủ, rất nhiều nền tảng livestream game đã ra đời, là nơi tổng hợp livestream của nhiều game thủ khác nhau. Tiêu biểu nhất là Twitch, Facebook, Youtube, Nimo.tv, Afreeca, Bilibili, Naver.

➤ Giải pháp thanh toán, ủng hộ: Qua việc livestream, game thủ kiếm thu nhập 1 phần từ các hợp đồng quảng cáo, 1 phần là từ tiền ủng hộ của người hâm mộ. Điều này phát sinh nhu cầu cho các giải pháp thanh toán như Paypal, WeScan, Amazon Prime, AppotaPay.

➤ Kênh thông tin về game: Những kênh tin tức (Fandom, Gamespot, PC Gamer, Soha, Gamek); Blog (Guardian Games Blog, Polygon, Destructoid, IGN, Voz); Crack sites (Crackwatch, Skidrow, Fitgirl Repacks) cập nhật những thông tin về game.

Như vậy ta có thể thấy, thị trường Digital game là cuộc chơi của rất nhiều “nhân vật” đa dạng, kèm với đó là rất nhiều ngách để người khởi nghiệp có thể khai thác. Vậy, thị trường này có quy mô như thế nào? Chúng ta sẽ đến với phần sau.

TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG DIGITAL GAME VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

  1. Quy mô thị trường, tốc độ tăng trưởng và những cái tên lớn

Thị trường game thế giới có quy mô 167.9 tỷ USD vào năm 2020, với CAGR 9.24% cho giai đoạn 2021 – 2026. Trong đó, thị trường game châu Á vào năm 2019 đạt quy mô 72.2 tỷ USD vào năm 2019, tương tương gần 1/2 thị trường game toàn cầu.

Trong đó, tính đến tháng 6/2020, Trung Quốc là thị trường game lớn nhất, theo sau là Mỹ và Nhật Bản.

Xét về giá trị thị trường, Activision Blizzard (nhà phát hành của Overwatch, Call of Duty, Hearthstone) là công ty game lớn nhất thế giới, theo sau là Nintendo (Mario, Animal Crossing, Pokemon, Fire Emblem) và EA (FIFA, Star Wars, Need for Speed, Dragon Age, Plants vs Zombies). 

Trong năm 2019, doanh thu thị trường game PC Việt Nam là 477.6 triệu USD, gấp đôi so với con số 263 triệu USD của thị trường game mobile. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng trường hàng năm của mobile game là 50% tại năm 2019, cao hơn nhiều so với con số 5.6% tăng trưởng hàng năm của mảng PC. CAGR của thị trường gaming Việt Nam giai đoạn 2021-2025 dự kiến vào khoảng 11.57%.

  1. Thói quen chơi game

Trên toàn thế giới: Game mobile chiếm 52% thị trường, game PC chiếm 20% và game console chiếm 28%.

Đối với Việt Nam:

Thị trường game mobile có khoảng 40 triệu người chơi trong năm 2020, chiếm 80% số người chơi game tại Việt Nam. Tỷ lệ nam nữ là cân bằng, với 51% là nam và 49% là nữ. Nhóm tuổi chủ yếu là từ 16- 34, chiếm 72%. Game mobile Trung Quốc được phát hành tại thị trường Việt Nam là phổ biến nhất, chiếm 6/10 top game mobile tại Việt Nam.

Theo báo cáo của We are social 2021, có 92% người Việt Nam đã từng chơi game trên ít nhất một thiết bị, thể hiện sự phổ biến của digital game trong đời sống của chúng ta. Trong đó chủ yếu chơi game trên smartphone (85%), PC (44.4%), Tablet (22.6%), Console (8.6%).

Thời gian chơi game cũng là thời gian được sử dụng nhiều nhất đối với những người có điện thoại thông minh, lên tới 23% thời gian sử dụng smartphone.

Đối với thị trường game mobile, 45% người chơi hướng đến các tựa game E-Sport (game thể thao). E-Sport và MMORPG (game nhập vai phiêu lưu) cũng là những tựa game đem lại doanh thu nhiều nhất.

Việc các tựa game E-Sport được ưa chuộng cũng trùng với thời điểm livestream game bùng nổ tại Việt Nam, khi năm 2018 chứng kiến số lượng game thủ chuyên nghiệp và người xem tăng đột biến (gấp 3 số lượng game thủ và gần 40% so với năm 2017).

Thời gian chơi game và xem livestream game của người trẻ Việt Nam tập trung chủ yếu từ 6-10h tối, là thời gian sau giờ học tập và làm việc. Sau 10h tối, tỷ lệ người xem livestream game vẫn ở mức cao, nhưng tỷ lệ người chơi game thì hạ xuống.

MÔ HÌNH KINH DOANH CỦA CÁC CÔNG TY TRONG THỊ TRƯỜNG DIGITAL GAME

Tham gia thị trường này, bạn có thể kiếm tiền bằng những cách nào? Các công ty có thể kết hợp nhiều mô hình kinh doanh dưới đây.

  1. Bán đĩa game cứng

Đây là mô hình cũ, trong đó nhà phát hành bán game dưới dạng đĩa CD, người chơi sẽ mua đĩa về cài đặt. Hiện nay mô hình này vẫn còn ở một số game, thường được bán dưới dạng game box (CD + thư tay + đồ kỷ niệm kèm theo: mô hình nhân vật game, bản đồ vật lý,…).

2. Bán game online, bán thời gian chơi game

Đây là hình thức phổ biến nhất, trong đó người chơi mua game về chơi (mua online) hoặc là mua thời gian chơi game. Với hình thức này, các nền tảng phát hành game thường lấy hoa hồng từ doanh thu bán game của các nhà phát triển game.

Ví dụ: Steam lấy 30% từ doanh thu của các công ty game trên Steam, Epic games lấy 12%. Nếu game trên Steam đạt doanh thu trên 10 triệu USD thì được giảm 5% hoa hồng.

Kho game của Steam.

  1. Bán thiết bị chơi game (console)

Bán các thiết bị vật lý để chơi game: Xbox, Playstation, Nintendo. Các công ty đi theo hướng này thường theo chiến lược đặt giá bán console với biên lợi nhuận thấp (chủ yếu để để bù đắp chi phí), còn lợi nhuận thực sự thì đến từ bán game mà người chơi sẽ chơi qua thiết bị console đó.

4. Subscription

Người chơi đăng ký tài khoản trên 1 nền tảng phát hành game và nhận được game mới đinh kỳ theo chính sách của nền tảng khi phát hành miễn phí hoặc đi kèm với những ưu đãi nhất định.

5. Early Access (ví dụ Slay the spire, Hades, Darkest Dungeon, Subnautica, Sea of thieves)

Bán game chưa hoàn thiện, nhưng vẫn yêu cầu đủ nội dung ở một mức nhất định để người chơi trải nghiệm, ví dụ như một số màn đầu tiên, một số tính năng chính. Trong quá trình người chơi trải nghiệm, nhà phát hành game sẽ có data, feedback và đặc biệt là tài chính để hoàn thiện và phát triển tiếp phần còn lại của game sao cho phù hợp với thị hiếu của người chơi. Gần tương tự mô hình pre-order, tuy nhiên pre-order trong games thường là khi đã có game hoàn chỉnh, còn early access thì ở giai đoạn sớm hơn.

6. DLC (Downloadable content)

Sau khi game được phát hành, nếu muốn bổ sung thêm nội dung hoặc màn chơi mới (extension), công ty game có thể phát hành thêm các DLC để nâng cao trải nghiệm của người chơi, trong đó yêu cầu người chơi trả tiền để tải thêm những nội dung này. Nếu nội dung ít và không đáng để thu phí thì các công ty game thường để dưới dạng FLC (Free downloadable content) hoặc game patch để tránh làm mất lòng người chơi vì các chính sách về giá.

7. “Rương báu vật” và những giao dịch nhỏ

Đây cũng là một mô hình phổ biến trong đó người chơi sẽ phải trả tiền để mua các rương báu vật (hoặc những vật phẩm tương tự như hộp may mắn, bao xì lì,…), qua đó họ có thể ngẫu nhiên nhận được những vật phẩm có giá trị lớn (tỉ lệ thấp) hoặc, đa phần, là những vật phẩm bình thường. Mô hình này đánh vào tâm lý “xổ số” của người chơi. Nhà phát hành game sẽ thu tiền qua việc nạp thẻ của game thủ.

Đi kèm với rương báu vật là khả năng mở ra những giao dịch quý hiếm mà người chơi không thể mua được bằng phương pháp thông thường. Những vật phẩm hiếm này (như những item quý trong game Võ Lâm Truyền kỳ, hay trang phục quý trong Liên minh huyền thoại) có thể được giao bán giữa các game thủ với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng tiền thật. Các nhà phát hành có thể đứng ra xúc tiến các giao dịch này (để đảm bảo không có lừa đảo) và thu tiền hoa hồng trên giao dịch.

8. Quảng cáo, Nâng cấp tài khoản và mua bán trong game

Mua thêm các features trong game, có thể để tăng tính thẩm mỹ cho nhân vật hoặc giúp tiết kiệm thời gian cày game. Mô hình này đánh vào xu hướng cá nhân hóa nhân vật trong game đang ngày càng tăng lên của người chơi cũng như xu hướng chung cá nhân hóa trên toàn thế giới.

Ads bao gồm cả quảng cáo in-game cũng như hợp đồng lớn với media. Ads in-game thường ứng dụng với game mobile là chủ yếu. Trong đó, người chơi dễ dàng chấp nhận nhất là ads dưới dạng video và có phần thưởng cho người chơi, và thời gian trung bình để người chơi chấp nhận xem video là 19s để nhận được phần thưởng trong game.

9. Tổ chức sự kiện, giải đấu và bán đồ lưu niệm

Tổ chức các sự kiện giới thiệu về game, công bố game. Các buổi này sẽ giúp kích thích trí tò mò của người chơi, giúp người chơi nắm bắt được thông tin sớm hơn so với người khác. Sự kiện có thể yêu cầu trả phí (BlizzCon, E3, PAX, Dreamhack, Steamfest) hoặc miễn phí (Ubisoft Forward, Gamescom). Công ty thu tiền từ phí tham gia event hoặc bán đồ lưu niệm.

Quy mô và hiệu ứng hoành tráng của một buổi chung kết Liên minh huyên thoại, tổ chức bởi Riot Games
với hàng trăm ngàn khán giả theo dõi trên toàn thế giới.

Các công ty game cũng thường tổ chức các giải đấu của riêng mình và kêu gọi tài trợ, thu phí bản quyền, phí tham gia, phí vận hành giải đấu. Xu hướng franchise các giải đấu game đang ngày một rõ ràng (Liên minh huyền thoại, Overwatch, Call of Duty). Thông qua franchise các giải đấu, các game thủ tham gia trở nên chuyên nghiệp hơn, có nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào hơn, và làm tăng uy tín cho thể thao điện tử.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

0 Scroll
0907168210
0907168210